Mặc cả và những câu chuyện

Posted at November 12, 2019

Chủ nhật tuần trước, tôi ngồi uống nước cùng một cậu bạn đồng nghiệp ở công ty cũ. Đó là một quán cà phê cóc ở bờ hồ Hàm Nghi, nơi gặp gỡ của 2 thằng coder đã lâu mới có một buổi trò chuyện say đến vậy. Chúng tôi trò chuyện khá vui, nó mới lấy vợ được 2 tháng. Cuộc sống hôn nhân có nhiều lo toan và trách nhiệm khiến nhan sắc của nó có phần đi xuống nhưng phong độ có khí chất hơn trước. Chúng tôi cứ thế nói chuyện, một chuỗi tuần hoàn những câu hỏi thăm về gia đình, cuộc sống, nghề nghiệp... rất say sưa cho đến hơn 11 giờ trưa.

Đà Nẵng đã vào thu nhưng sao cái nắng vẫn còn gay gắt quá, ngoài trời vẫn trên 30 độ C, nhiệt độ cao cùng độ ẩm thấp làm cho con người có phần mất sức hơn. Cùng lúc đó, có một bà cụ trên tay cầm 1 giỏ trứng đi ngang qua và dừng mời 2 anh bàn bên mua đồ. Đối lập với bà cụ có tấm lưng còng cùng nét mặt lam lũ, đầy sương gió thì 2 người đàn ông với bộ đồ sơ mi đóng thùng lịch lãm nhưng gây cảm giác nóng nực ở cái buổi trưa này. Anh thứ nhất hỏi bà cụ giá trứng thế nào thì bà cụ nói: "Còn 2 chục trứng đem ở quê ra, con lấy giùm cho bà, bà để rẻ cho 50 ngàn". Anh ngồi cạnh nghe vậy chen ngang: "Chi mà năm chục dữ vậy bà? Vợ con đi chợ mua ký trứng chưa tới 3 chục ngàn..." Tôi không biết trứng mà vợ anh ta mua là trứng gà ta hay là trứng gà công nghiệp mà chắc gì anh ta đã biết trứng gà ta với trứng gà công nghiệp khác gì nhau.

Bà cụ chắc rất mệt vì phải đi bộ một quãng đường xa, vì khát nước nên đã xin bé bưng quán một ly trà uống đỡ. Chắc vì trưa và phải bán hết sớm để kịp chuyến xe về dưới quê nên bà cụ đã bớt cho 2 anh thanh niên 2 ngàn. Đúng vậy, "2 ngàn" thôi chắc nghe có vẻ không thấm vào đâu, nhưng với những người buôn bán ở chợ, đặt biệt là những người ở quê thì 1 ngàn cũng là rất quý, nó có thể mua được 1 bó rau lang ở quê, hay nhúm rau thơm cho nồi canh bữa tối.

Họ vẫn kỳ kèo mấy quả trứng gà quê, tôi không biết 2 anh có thiện chí mua giúp bà cụ hay không hay chỉ trả giá cho vui rồi đùa giỡn với người ta lâu vậy nữa. Tôi thấy rõ sự cực nhọc trên khuôn mặt của bà lão, cảm nhận được sự mệt mỏi ở mỗi lần bà cụ cúi xuống lấy tay áo lau mồ hôi. Kỳ kèo đắt rẻ tới lui làm tôi với thằng bạn thấy mệt cả người, thấy hơi khó chịu nên định qua lấy luôn thì, 2 chục trứng cũng ra đi với giá... "45 ngàn".

Thiệt á chớ, mấy đồng bạc đó có khi còn chưa bằng 2 ly nước mà mấy ổng uống. Có khi với 45 ngàn đó, với bà cụ một phần cho chuyến xe đò, là 2 ngày ăn, hoặc tiền lo thuốc men tuổi già... Khi bóng bà cụ liêu xiêu dần về phía xa, tôi ngồi nghĩ thấy nhiều sự thương cảm. Tôi thấy nhớ hình ảnh của bà ngoại mình, đó là một tấm lưng còng nhỏ bé đội cái nón lá với bộ đồ lanh sẫm màu mà má tôi may cho. Giữa một buổi trưa với cái nắng gay gắt cùng một tá những thứ bụi bặm độc hại nơi phố thị thì có đáng với vài ngàn bạc cho bà cụ. Anh kia có thể chưa thực sự vui vì giá của 2 chục trứng, nhưng bà cụ đã thật sự vui vì đã bán được hết cho có đồng ra đồng vào.

Trả giá" hay miền Bắc gọi là "mặc cả" - đó là một điểm mạnh của tôi. Ở công ty, bạn bè thường nhờ tôi đi mua đồ cùng, một phần vì tôi biết lựa và tôi có kinh nghiệm trả giá khi đi chợ, đặc biệt là những món đồ ở chợ Cồn, chợ Hàn... hay đồ điện máy. Bởi trước đây nhà tôi ở trong chợ, má tôi hay sai vặt ra chợ mua bó rau, lạng thịt... nên cũng có thói quen đó tới giờ. Rất may má tôi dạy rằng "đừng trả giá với người nghèo hay những ông bà cụ, hơn thua mấy đồng ăn rồi cũng hết mà tội họ...".

Mặc cả và những câu chuyện

Má tôi có một "ô" bán trái cây ngoài chợ, tôi hay ra chợ ngồi phụ má tôi tính tiền và bỏ trái cây vào bao vào ngày cuối tuần hoặc rằm và mùng một. Vì ngồi nhờ dưới gốc cây trước tiệm chị bán quần áo nên không phải đóng tiền mua mặt bằng, vì vậy bán rẻ nên hết nhanh trong ngày. Người mua cũng có nhiều kiểu, nhiều người hay mua hàng đã biết thì chỉ việc lựa rồi cân có ký có tiền. Bên cạnh đó có những người rất kỳ quặc mặc cả trước rồi mặc cả sau. "Thuận mua thì vừa bán", đúng vậy nhưng phải đúng thời điểm và đúng hoàn cảnh. Có những người không biết giá thị trường, chỉ biết trả giá theo quán tính: "1 ký nhãn bình thường bán 30 ngàn, nhưng cuối ngày bán rẻ là 25 ngàn cũng cố ép giá xuống 14 - 15 ngàn". Ngoài chợ có rất nhiều khoản tiền thuế, chưa kể thỉnh thoảng bị mấy ông quy tắc dẹp đường phải bưng hàng chạy xì khói, rồi thời tiết khắc nghiệt nữa...

Tôi đã đọc đâu đó một nghịch lý như thế này, "chúng ta chỉ trả giá với những người nghèo, còn những người giàu thì không bao giờ". Có bao giờ bạn vào nhà hàng ăn 1 con tôm hùm giá cả triệu rồi khi tính tiền lại trả giá không? Chắc chẳng ai đi mua áo quần ở Vincom mà đòi họ sale nhỉ? Rất ít người để ý việc một lon nước ngọt được bán thì nhà sản xuất lời được gấp 10 so với giá trị thật, còn mỗi tờ vé số mà người lao động nghèo bán thì chỉ lời được vài trăm đồng lẻ nhưng rất khổ cực.

Và mong rằng, việc trả giá cũng không phải là một chiến tích mà hãy coi đó là kỹ năng và dùng đúng lúc, đúng người. Sẽ có quan điểm cho rằng: "Tôi là người nghèo nên tôi phải trả giá, khi tôi giàu, tôi sẽ không bao giờ phải suy nghĩ đến việc trả giá". Nhưng quan điểm đó là sai lầm, bạn càng nghèo, thì bạn phải càng hiểu được nỗi khổ của những người đồng cảnh ngộ, giúp người khác nghĩa là giúp chính mình.

May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn.