Tết âm lịch và những kỷ niệm

Posted at Jan 16, 2020

Tết âm lịch và những kỷ niệm

Mấy năm gần đây, những ngày cuối năm người ta thường nói đến việc gộp Tết ta và Tết tây thành một.

Việt Nam là một nước nhiệt đới và ảnh hưởng nhiều của văn hóa phương Đông. Khác với các nước phương Tây, Tết của nước ta thường bắt đầu vào mùa xuân, sắc màu của "cánh mai vàng cành đào hồng thắm tươi", hay các loại hoa khắp mọi miền làm nên một bức tranh đẹp rạng ngời mà các nước khác khó mà có được.

Cho dù cách tổ chức ngày dương lịch đầu năm của Việt Nam vẫn đang ngày càng rực rỡ thì tâm hồn của tôi vẫn hướng về tết âm. Có lẽ là một phần ký ức từ những ngày thơ bé, khi đường phố vắng hoe, không khí lành lạnh có chút mưa phùn và cảm giác như thể tất cả mọi người đều đang lo âu xen lẫn rộn rã cho một dịp thực sự quan trọng trong năm. Một phần là từ chính những điều hàng ngày của ba mẹ. Ba dọn nhà và chỉ đạo mọi người phối hợp thong thả từ trước Tết đến cả tháng. Còn mẹ, dường như với vài chục năm kinh nghiệm của một bà nội trợ, đã có đủ danh sách những thứ cần mua, cần nấu, cần chuẩn bị cho cả một tuần dài của tết.

Tết âm lịch và những kỷ niệm

Tôi nhớ lúc còn là học sinh, gia đình tôi định cư ở tận ngoài Bắc, cả năm đến Tết mới có 1 dịp để về quê. Cái không khí của những ngày cuối năm nơi mà các bến tàu, sân ga ai cũng bon chen. Người cành đào, người thì ôm bó nụ tầm xuân hay những cây quất rung rinh cùng gia đình với sự háo hức, hối hả. Mọi năm, vào ngày 26 âm lịch cả gia đình tôi cũng hòa chung sự vội vàng và háo hức như vậy cho kịp chuyến xe về Đà Nẵng.

Hồi bé chỉ mong đến Tết, đơn giản là được về quê thăm ông bà, gặp mấy ông anh bà chị để dẫn ra ngoài đồng chạy nhảy, giữ bò, xa rời khói xe, tiếng ồn của đô thị. Đặc biệt Tết được nhận lì xì... Tết mà. Hồi đấy vui hơn bây giờ nhiều, "bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào" nghe thôi đã thấy bao nhiêu kỷ niệm ùa về.

Người ta cứ nhìn vào một Sài Gòn hoa lệ, một thủ đô Hà Nội nhộn nhịp tấp nập với hàng vạn khách du lịch để đưa ra ý kiến gộp Tết ta và Tết tây. Chỉ để thu hút du lịch và kích cầu kinh tế mà dần dần bỏ đi hết văn hóa riêng của dân tộc - cái mà người đi du lịch họ coi đó mới là điều để khám phá. Xã hội mà chúng ta đang có vẫn là tổng hoà của rất rất nhiều con người đến từ những nơi khác nhau của đất nước. Mỗi người có một ký ức về tuổi thơ riêng biệt, về nơi gọi là nhà cũng không giống ai.

Tôi là một đứa trẻ may mắn được được sinh ra vào năm Việt Nam vừa cấm đốt pháo và từ lúc chưa có mạng internet hay smartphone cũng không nhiều như bây giờ. Tôi chứng kiến Tết chuyển mình từ những ngày ngồi bên coi mấy mợ gói bánh tét, tham gia đi chợ cùng các cô để chuẩn mâm cơm tất niên ở nhà nội... cho đến bây giờ - có quá nhiều thứ đóng hộp, bày bán sẵn chỉ cần có tiền là mua được. Tôi nghĩ sau bao nhiêu năm ấy, mọi thứ dù đã thay đổi rất nhiều nhưng một cảm giác Tết ở những ngày cuối năm thì vẫn y hệt. Tôi chứng kiến được 25 cái tết, ba mẹ tôi đã là đi qua hơn nửa thế kỷ. Có lẽ hai người đã còn nhìn thấy đất nước này thay đổi như thế nào nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng được. Giữa dòng đời vạn biến ấy, chính tôi là thứ mà ba mẹ sẽ mong rằng vẫn luôn như vậy, vẫn luôn ở bên.

Mọi năm đến đêm giao thừa, tôi chỉ muốn ở nhà phụ mẹ tôi dọn mâm đồ cúng. Vào mùng 1 mùng 2 thì tôi muốn đi chơi, ra đường, đến những ngôi chùa, những công viên đông người nô nức. Rồi qua mùng 3 về quê chơi, gặp bà con, anh chị em trò chuyện những câu chuyện thân thuộc...

Tết đến, chỉ cần được trở về đã là một niềm hạnh phúc cực kỳ lớn, cũng là một niềm vui xa xỉ mà không phải ai cũng được trải qua.

Vào chính lúc này, vẫn còn rất nhiều người xa nhà, nghĩ đến việc về nhà là trong lòng lại có một chút buồn. Năm nay, vì công việc bắt buộc, hay vì khoảng cách địa lý, vì một lời hứa với bản thân... mà còn rất nhiều người vẫn sẽ chưa được về nhà. Ai cũng hy vọng, đến ngày trở về, niềm hạnh phúc sẽ còn lớn hơn gấp bội, để bù đắp cho những tháng ngày mong nhớ.

Càng lớn, mỗi người sẽ càng thấy ngày Tết thiêng liêng, không chỉ vì đó là khoảnh khắc của đoàn tụ, mà còn là những ngày tháng mà mình đã khắc khoải chờ đợi để được trở về.

Tết âm lịch và những kỷ niệm

Cuối năm xin viết đôi lời,
Chúc mừng năm mới mọi người bình an.

Chào mọi người, tôi thu xếp để về dọn nhà đón Tết Canh Tý đây. Chúc mọi người về quê thượng lộ bình an, năm mới nhiều sức khoẻ, niềm vui và tràn ngập những điều may mắn.

May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn.