Trắc ẩn

Posted at July 24, 2021

Trắc ẩn

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi..."

Đó là lời của bài hát "Để gió cuốn đi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ tài hoa với những bài hát trầm lắng mang dư âm triết lý Phật giáo.

Ngày còn bé, tôi là một đứa trẻ rất nghịch ngợm, thay vì phải miệt mài vào đống bài tập về nhà thì tôi sẽ chọn tụ tập cũng đám trẻ trong xóm để chơi trốn tìm, đốt lửa hay bấm chuông nhà người ta rồi chạy thật nhanh. Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ về những kỷ niệm cũ tôi luôn thấy đó là điều hạnh phúc. Bởi khi đó mình còn thoải mái có chỗ rong chơi, được tiếp cận cách giáo dục truyền thống tự nhiên, ít bị ảnh hưởng bởi công nghệ hay các phương pháp giáo dục Tây hoá nhiều như các em nhỏ thế hệ bây giờ.

Những năm thập niên 90 người miền Trung ra Bắc lập nghiệp cũng nhiều. Chắc có lẽ vì vậy mà Hải Phòng và Đà Nẵng là 2 thành phố kết giao bằng hữu, ở Hải Phòng có con đường mang tên "Đà Nẵng" và ngược lại ở Đà Nẵng có con đường mang tên "Hải Phòng". Không "hoa lệ" như Sài Gòn, Hải Phòng cũng là mảnh đất hữu duyên, mang những con người tha hương với muôn vàn hoàn cảnh đến với nhau.

Nhà tôi trước đây ở trong một khu chợ rất nhộn nhịp của trung tâm, mẹ tôi là một người siêng năng, chịu khó, từ khi đến nơi đất khách quê người cũng đã trải qua nhiều lần buôn bán ở chợ. Ngày còn nhỏ, tôi thích nhất quãng thời gian bà bán chè, khi đó tôi mới học lớp 3. Hồi đó tôi học buổi sáng, còn mẹ tôi bán buổi chiều, những buổi trưa tôi sẽ đóng vai cậu con trai ngoan phụ mẹ bưng đồ bày quán, buổi chiều thì thoăn thoắt bưng chè khắp các ngóc ngách của chợ để phục vụ vị giác các cô bác khách quen. Cứ tầm chiều chiều, ngày nào cũng vậy trong khu chợ và quán mẹ tôi thường có ông cụ đến xin tiền. Khi đó là một ông cụ đã ngoài 60 tuổi, tóc bạc hơn nửa đầu, trên lưng là cái balo quân ngũ màu xanh chinh chiến mòn theo thời gian. Sau này trong những lúc xem tivi buổi tối, mẹ tôi mới kể lại ông ấy là người Quảng Trị, chiến tranh đã lấy đi một bên chân và khiến gia đình họ li tán. Chẳng còn người thân, nhà cửa thì không có nên mới phải lặn lội tới tận Hải Phòng làm nghề xin ăn sống qua ngày, tối đến thì ngủ ở sảnh nhà ga xe lửa. Vì những buổi chiều ông sẽ hoạt động ở chợ nên thay vì cho tiền ông cụ sẽ là khách ruột được chiêu đãi 1 ly chè. Khác với Đà Nẵng cấm ăn xin và buôn bán hàng rong thì Hải Phòng có người nơi khác tới xin ăn rất nhiều cùng nhiều hoàn cảnh, có bà cụ người Thanh Hoá chạc tuổi bà ngoại tôi, đôi lưng còng với dáng vẻ nhỏ nhắn lúc nào cũng đi cùng chiếc gậy và cái nón với những đồng tiền lẻ. Là người mang trong mình nỗi niềm xa xứ, mẹ tôi mỗi lần nhìn thấy những ông bà cụ đó thì rất động lòng, cứ hình dung mãi về hình ảnh ông bà ở quê, lần nào cũng cho họ ăn mà chẳng bao giờ lấy tiền cả. Những lần như vậy, mẹ luôn dạy tôi phải biết thương cảm và giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh không may hơn mình.

Có một danh từ rất hay trong tiếng Việt, đó là "lòng trắc ẩn". Trắc ẩn, tức là cảm nhận được những điều mắt không thể thấy, tai không thể nghe. Trắc ẩn hay còn gọi là lòng từ bi. Thứ mà Đức Phật luôn nhắc về. Trước khi mất ngài còn dặn mọi người "ta chính là từ bi - không phải thân xác này". Từ bi chính là thứ duy nhất khiến loài người khác biệt tất cả các loài còn lại trên trái đất - không phải thông minh như mọi người vẫn lầm tưởng.

Nếu bạn bắt được một đứa bé ăn cắp ổ bánh mỳ vì quá đói, thay vì đánh đập và bỏ tù nó, bạn chỉ cho nó đến xin làm việc ở đâu đấy, đưa lại cho nó một ổ để ăn cầm hơi, rồi dặn nó cả đời tuyệt đối không bao giờ được làm những việc như trộm cắp nữa. Đó là lòng trắc ẩn.

Người có lòng trắc ẩn, chính là người có tấm lòng bao dung, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, cảm thông cho nỗi khổ của họ. Nếu không có lòng trắc ẩn, thì cũng sẽ không có những thứ như nhân cách, hay tình thương giữa người với người. Lòng trắc ẩn cũng là con đường để đạt được thứ mà người xưa coi là nếu có được thì sẽ có cả thiên hạ - lòng người.

Hôm nay facebook nhắc một status mà tôi đã bookmark năm ngoái, đó là một câu chuyện nhỏ giúp con người ta có thêm nhiều niềm tin vào cuộc sống hơn.

"Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.
Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.
Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui.
Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng..."

Bên ngoài kia, có rất nhiều mảnh đời khó khăn. Tôi nhớ năm 2019, chuyến đi Sài Gòn lần đầu tiên trong cuộc đời của mình. Trước đây, tôi biết đến Sài Gòn qua những bản tình ca, những bộ phim Việt... tôi cứ nghĩ về một Sài Gòn tráng lệ, rất nhiều toà nhà phủ lên mình bộ đồ pha lê cùng những ánh đèn lung linh, một thành phố năng động hoà theo nhịp thở của những người trẻ mang trong mình nhiều khát vọng. Cũng đúng, nhưng nếu đi du lịch mà ít phụ thuộc vào phương tiện giao thông để trải nghiệm bằng chính đôi chân của mình hơn vài chục cây số thì bạn cũng sẽ thấy đằng sau vẻ hào nhoáng đó là những mảnh đời rất cơ cực. Chứ không phải một Sài Gòn trong những áng văn diễm tình, hào nhoáng. Khi tôi cùng những người bạn rong ruổi hết những con đường ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, rồi lạc vào con phố Bùi Viện cùng những tiếng nhạc "e đê mờ" cùng những bản "ballad rì mix" cất lên sau những ánh đèn ngợp màu sắc thì khi đó cũng đã quá 11 giờ tối. Tầm này, người ta cũng dần tàn cuộc vui mà trở về bên mái nhà ấm áp của mình... nhưng cũng có những thềm hành lang là hình ảnh của người mẹ ôm đứa con nhỏ nằm ngủ khi chiếc áo khoác chính là tấm chăn mỏng manh để che phủ cái sương gió của màn đêm hay hình ảnh người thanh niên gầy guộc nằm co ro nơi góc khuất dưới chân cầu. Tôi nhớ có lần buồn quá nên đi dạo một mình ở ngã tư đường Hùng Vương, đó là một cái chỗ sửa xe nhỏ. À không, đó là cái "nhà", mà cũng không biết nữa. Bên cạnh cái tủ điện, họ kê một cái bàn gỗ nhỏ cùng cái nồi hương để thờ ông địa, khi đó tôi thấy một ông già ngồi trên cái ghế gấp rách, tay nâng hộp cà mèn nhôm cũ, móp méo để ăn tối. Sau mới biết chỗ đó hình như cũng là nhà của họ, họ ở đó với cái mái chế bằng vải thô sơ che mưa che nắng làm nghề bơm vá xe. Thấy người ta khổ thật. Nhưng dù gì đi nữa, Sài Gòn trong mắt tôi luôn luôn đẹp, đậm tình người. Dẫu nó tàn nhẫn, thực tế, lạnh lùng với nhiều người đang sống nương vào nó. Nhưng nó lại ám ảnh người ta trong từng miếng ăn, giấc ngủ.

Trắc ẩn

Ngày trước, văn học là công cụ duy nhất để một người được đặt mình vào trong cuộc đời của rất nhiều người khác và học những bài học làm người từ trong đó. Bây giờ thì chúng ta đã có điện ảnh, có cả internet, văn học không còn là phương tiện duy nhất nữa. Dạo gần đây tôi đang theo dõi bộ phim "Cây táo nở hoa" - một bộ phim Việt xoay quanh về vấn đề gia đình của anh Ngọc. Nếu có thời gian bạn cũng thử xem, ở đó có những tình tiết khiến con người mình buồn đi, cảm thấy cuộc sống của nhiều tiêu cực chứ không như câu quote trong phim "nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa tại sao cây táo lại nở hoa". Nhưng sẽ giúp ta nhận ra được nhiều điều, những giá trị của việc cho và nhận, những khía cạnh về tình thương, sự hy sinh và trách nhiệm sống của một con người. Để rồi sau này nhận ra vượt qua bao nhiêu sóng gió, người quan trọng nhất vẫn là gia đình - người ở bên cạnh mình.

Nếu bạn là người thích xem phim, hay đọc tiểu thuyết, hoặc biết lắng nghe chuyện đời của những người xung quanh, thì tất cả những việc ấy đều có một phần phát triển lòng trắc ẩn theo thời gian. Dù thế nào đi nữa, trong cuộc sống này bạn cũng cần có niềm tin, biết cho đi nhiều hơn và lan toả những điều tích cực đến những người xung quanh thay vì những video soi mói đời tư, hay chửi bới rầm rộ trên mạng. Mùa Covid vẫn còn phức tạp, chúc bạn luôn vững vàng để vượt qua và chia sẻ với mọi người trong những ngày tháng khó khăn này.

Thế giới này không thiếu những người hoàn hảo, mà thiếu sự thật lòng, chính nghĩa, dũng cảm và lòng cảm thông phát ra từ tận đáy lòng. - trích Vô Vấn Tây Đông

May mắn lớn nhất của cuộc đời, không phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là có người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn.